Có thể thương thảo với công ty để không phải đóng BH không

Nội dung câu hỏi:

Chào anh chị, không biết khi làm công ty lớn, mình có thể thương thảo với công ty về việc không đóng bảo hiểm xã hội có được không? Lý do là mình cần tiền để làm việc khác nên mình muốn để hết tiền 1 năm rồi rút ấy.



THỎA THUẬN KHÔNG ĐÓNG BHXH CHO NLĐ ĐƯỢC KHÔNG

Tư vấn bảo hiểm xã hội

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài bảo hiểmVề vấn đề Có thể thương thảo với công ty để không phải đóng BH không; chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:

Đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc:

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2025) quy định thì có 13 đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

1) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

2) Cán bộ, công chức, viên chức;

3) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

5) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

6) Dân quân thường trực;

7) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

8) Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;

9) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;

10) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

11) Đối tượng quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

12) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

13) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Theo quy định trên, Luật BHXH năm 2024 mở rộng hơn đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH. Nếu thuộc 1 trong 13 trường hợp nêu trên thì người lao động buộc phải tham gia BHXH.

NLĐ thỏa thuận không đóng BH ở công ty được không?

Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2024 ( áp dụng từ 1/7/2025) quy định như sau:

“Điều 2. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;”

Như vậy, theo quy định của pháp luật, khi tham gia quan hệ lao động và giao kết HĐLĐ từ 1 tháng trở lên thì người lao động có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, nếu bạn và người sử dụng lao động thỏa thuận về việc không đóng BHXH thì được coi là thỏa thuận trái pháp luật.

Lưu ý: Quy định trên cũng tương tự nội dung Luật BHXH năm 2014;

NLĐ thỏa thuận không đóng BHXH bắt buộc có bị xử phạt không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp người lao động công ty bạn yêu cầu công ty không tham gia BHXH bắt buộc cho họ vì họ đang tham gia BHXH tự nguyện và lập thỏa thuận không đóng BHXH thì người lao động sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:

Hoàn trả tiền đóng BHXH khi gộp sổ BHXH trong thời gian đóng trùng

Điều kiện để doanh nghiệp được giảm mức đóng BHXH bắt buộc

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề NLĐ và công ty thỏa thuận không đóng BHXH. Trong quá trình giải quyết nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến – 1900 6172 để được tư vấn và giải đáp trực tiếp.

Recent Posts

CÓ THỂ BẠN CHƯA XEM

Tổng đài tư vấn 19006172 trực thuộc công ty luật TNHH Tuệ Minh

Lưu ý: Để buổi làm việc được hiệu quả, quý khách vui lòng gọi điện trước để chúng tôi tư vấn về hồ sơ, tài liệu cần chuẩn bị và thu xếp lịch hẹn.

Gửi yêu cầu
Gọi ngay