Đóng bảo hiểm cho người lao động khi ngừng việc vì dịch Covid
Do tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nên công ty tôi quyết định cho người lao động nghỉ việc. Vậy thì công ty tôi vẫn phải trả lương đầy đủ cho những người này có đúng không? Và công ty có phải đóng bảo hiểm cho người lao động khi ngừng việc vì dịch Covid 19 này hay không? Hoặc đổi lại nếu công ty còn chưa kịp cho nghỉ mà người lao động đã xin nghỉ không lương rồi thì có phải đóng bảo hiểm cho họ nữa không? Mong sớm nhận được phản hồi của các bạn! Tôi cám ơn rất nhiều!
- Có được hưởng ốm đau khi đang nghỉ không lương ở công ty?
- Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người bị cách ly do dịch Covid
Dịch vụ tư vấn Bảo hiểm xã hội trực tuyến 19006172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề trả lương ngừng việc cho người lao động vì dịch bệnh
Căn cứ Điều 98 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 98. Tiền lương ngừng việc
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.
Như vậy, nếu vì dịch bệnh Covid-19 mà công ty bạn cho người lao động ngừng việc thì tiền lương trong thời gian ngừng việc này sẽ do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Hiện nay, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
– Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
– Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
– Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
– Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Thứ hai, về vấn đề đóng bảo hiểm cho người lao động khi ngừng việc vì dịch Covid
Căn cứ Khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
“Điều 42. Quản lý đối tượng
… 8. Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.”
Như vậy, nếu thuộc trường hợp ngừng việc và vẫn hưởng tiền lương thì người lao động và công ty vẫn thực hiện đóng các loại bảo hiểm xã hội xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm y tế và bảo hiểm TNLĐ, BNN theo mức tiền lương mà người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Thứ ba, về vấn đề đóng bảo hiểm nếu người lao động đề nghị nghỉ không hưởng lương
Căn cứ Khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
“4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.”
Như vậy, nếu người lao động công ty bạn nghỉ việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả 2 bên đều không phải đóng bảo hiểm. Ngược lại, nếu nghỉ việc từ 13 ngày làm việc trở xuống thì vẫn phải đóng bảo hiểm bình thường.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
–> Có phải đóng bảo hiểm cho người bị cách ly do dịch Covid không?